Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của công tác cán bộ, là yêu cầu khách quan trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, vì chất lượng cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công tác. Do vậy, trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngày càng “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC, ngày 04/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 115/KH-VKSTC ngày 16/9/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2016 – 2020.Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên xây dựng Kế hoạch số 358/VKSTN-P15 ngày 12/10/2016 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020.
Căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã chọn, cử những cán bộ có đủ điều kiện tham gia các lớp đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.Từ năm 2016 đến nay, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã cử 07 đ/c đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị; 10 đ/c đi học lớp trung cấp lý luận chính trị; 10 đ/c đi học lớp Cao học Luật; 02 đ/c đi học lớp Cao học quản lý kinh tế; 01 đ/c đi học lớp Chuyên viên cao cấp; 05 đ/c đi học lớp Chuyên viên chính; 29 đ/c đi học lớp Chuyên viên; 02 đ/c đi học lớp nghiệp vụ thống kê; 26 đ/c đi học lớp nghiệp vụ Kiểm sát; 07 đ/c tham gia lớp Quốc phòng – an ninh đối tượng 3; hàng năm cử hàng trăm lượt Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Bên cạnh việc cử cán bộ, công chức đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đại học thì Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKS tỉnh luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác đào tạo tại chỗ, phân công Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp công chức mới tuyển dụng hoặc Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngạch thấp hơn hoặc mới được bổ nhiệm; thường xuyên, tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, triển khai các chuyên đề nghiệp vụ, sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao trình độ, năng lực của công chức,cụ thể:
Thực hiện chủ trương “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa” theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW,VKSND và TAND tỉnh Thái Nguyên đã ký Quy chế phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm. Căn cứ Quy chế liên ngành của cấp tỉnh, 9/9 đơn vị VKS và TAND cấp huyện đã ký Kế hoạch thực hiện Quy chế về phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; VKS hai cấp đã phối hợp tổ chức xét xử 1.005 phiên tòa (năm 2016: 127; năm 2017: 358; năm 2018: 344; 9 tháng năm 2019: 176) rút kinh nghiệm về lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính (trong đó có 74 phiên tòa do Lãnh đạo VKS hai cấp trực tiếp thực hành quyền công tố).

Ảnh phiên tòa rút kinh nghiệm
Chuyên đề của các phòng nghiệp vụ cũng là một trong những hình thức đào tạo tại chỗ có hiệu quả đối với đội ngũ cán bộ, công chức; trong thời gian qua VKSND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ xây dựng được 16 Chuyên đề và tổ chức Hội nghị trực tuyến đến VKS hai cấp. Nội dung các chuyên đề đã đánh giá đúng thực trạng và đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, giúp cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về những quy định mới của Luật; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật vào thực tiễn và chia sẻ kinh nghiệm hay để nâng cao chất lượng công tác.

Ảnh Hội nghị Chuyên đề
Từ năm 2016 đến nay, VKSND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng tại chỗ, cụ thể:
Năm 2016:Nhằm tạo tinh thần sôi nổi nghiên cứu, học tập đến toàn thể cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát Thái Nguyên, từ đó triển khai áp dụng các quy định của pháp luật hình sự, dân sự vào thực tiễn đạt hiểu quả cao; lan tỏa đến mọi người hiểu được trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nền pháp chế XHCN. Đặc biệt, thông qua cuộc thi nhằm xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. VKSND tỉnh phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” trong ngành Kiểm sát Thái Nguyên và có 13 đơn vị với 39 Kiểm sát viên ở hai cấp tham gia; VKSND tỉnh Thái Nguyên đã cử 04 Kiểm sát viên tham gia cuộc thi do VKSND tối cao tổ chức.
Năm 2017: Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác hỏi cung bị can của Kiểm sát viên và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác hỏi cung bị can; từ đó, tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm để vận dụng hiệu quả vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng của khâu công tác hỏi cung bị can để làm tốt hơn nữa trong công tác thực hành quyền công tác, kiểm sát điều tra án hình sự, VKSND tỉnh phối hợp với Học viện cảnh sát Hà Nội tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về hỏi cung bị can cho 105 Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên.

Bên cạnh việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ VKSND tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức cho 44 học viên là Kiểm sát viên, công chức và người lao động của VKS tỉnh và 14 Cán bộ, Chuyên viên, công chức và người lao động của Sở ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên học lớp Quốc phòng – an ninh đối tượng 4 với mục đích thông qua lớp học này, nhằm bồi dưỡng nâng cao nhận thức, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng chó cán bộ, công chức và người lao động.
Ảnh lớp bồi dưỡng quốc phòng-an nhinh đối tượng 4
Năm 2018: Toàn ngành Kiểm sát xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật và Luật, VKSND tỉnh phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính tại VKSND tỉnh Thái Nguyên cho 109 đồng chí là Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên.

Ảnh lớp tập huấn bồi dưỡng dân sự, hành chính
Năm 2019: Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 05/11/2012 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quyết định số 564/QĐ-VKSTC ngày 24/11/2014 “Về việc áp dụng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý và thống kê án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân”, VKSND tỉnh phối hợp với VKSND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị tập huấn phần mềm quản lý án hình sự cho VKS hai cấp.

Kết quả hiện nay VKSND tỉnh Thái Nguyên có 33 đ/c có trình độ Thạc sỹ Luật (đạt 16%); 01 đ/c có trình độ thạc sỹ Kinh tế: (đạt 0,5%); 155 đ/c có trình độ cử nhân Luật (đạt 75%); 08 đ/c có trình độ đại học khác (đạt 4,3%); 01 đ/ccó trình độ cao đẳng (đạt 0,53%); 08 đ/c có trình độ trung cấp(đạt 4,8%). Có 26 đ/c có trình độ Cử nhân và Cao cấp lý luận chính trị; 85 đ/c có trình độ Trung cấp Lý luận chính trị.
Việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Thái Nguyên trong những năm qua cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên đã có nhiều thay đổi, nhận thức ngày càng nâng cao, trung thành với sự nghiệp của Đảng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, có trách nhiệm, bản lĩnh và nêu cao lương tâm nghề nghiệp có bản lĩnh vượt khó, dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, với các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.
Đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, tích cực trong học tập, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thường xuyên quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác cải cách tư pháp đến cán bộ, công chức để từ đó cán bộ, công chức ngày càng nhận thức đúng vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát trong quá trình thực hành quyền công tố và Kiểm sát các hoạt động tư pháp./.
Phạm Thu Trâm
Phòng Tổ chức, cán bộ VKSND tỉnh Thái Nguyên